Lại một mùa Xuân nữa lại về, Huế lại thay một lớp áo mới rực rỡ màu sắc đón khách gần xa, đón những người con tha phương trở về. Mùa xuân luôn là mùa của lễ hội, với Huế điều đó lại được thể hiện rõ nét hơn qua hàng chục lễ hội diễn ra khi mà cái không khí, tiết trời mùa xuân luôn làm rạo rực lòng người.
Bánh đúc mật
Xuân vẫn cứ tràn ngâp trên khắp con đường, trên từng góc phố, trẻ em xúng xính áo mới, người lớn chúc nhau câu cười. Vậy mà cứ mỗi năm, có một mệ già mái tóc đã ngã màu muối tiêu vẫn lặng lẽ với đôi quang gánh đã cũ, đầu đội chiếc nón đã phai màu theo thời gian chầm chậm bước trên từng góc phố mà có lẽ mỗi năm mệ chỉ phải đi một lần. Có lẽ đối với những người trẻ như tôi chắc cũng chẳng để ý gì đến những đôi quang gánh vào mấy ngày đầu xuân khi mà khắp nơi là lễ hội, là những chốn ăn chơi thu hút giới trẻ hơn là để ý tới gánh hàng rong sần sùi.
Sáng mồng hai Tết năm ấy, mệ nội bưng vào cho tôi một dĩa nhỏ với những lát bánh màu xanh trông rất bắt mắt.
- “Ăn đi con, ăn lấy cái lộc đầu năm”
- “Bánh chi ri mệ, răng lại lấy cái lộc đầu năm”
- “Bánh đúc mật, mỗi năm người ta bán mấy ngày đầu xuân thôi, vài bữa có thèm cũng không có mà ăn mô”.
- “Bánh chi ri mệ, răng lại lấy cái lộc đầu năm”
- “Bánh đúc mật, mỗi năm người ta bán mấy ngày đầu xuân thôi, vài bữa có thèm cũng không có mà ăn mô”.
Không giống đúc thường, đúc mật xanh mơn mởn như lá chuối non, mềm mại và thơm như con gái, quệt thêm miếng mật ngọt đến lịm người. Đúc mật lưu vào kí ức của tôi như rứa đó. Những sáng tiếp theo sáng nào tôi cũng mon men dậy sớm chờ cho được gánh đúc mật. Không phải tôi quá thèm ăn, mà tôi tò mò cái sự lạ của miếng bánh, tò mò cái sự lạ của “lấy lộc đầu năm”.
(Ảnh: Internet)
Khi mệ cắt từng lát bằng “chiếc chèo” nhỏ bỏ vào dĩa như người ta vẫn thường làm, ăn với một số loại bánh đã thành danh như bèo, lọc, đúc. Tôi tranh thủ hỏi: “Bánh ni làm răng ri mệ, răng bình thường không bán mà phải đợi tới Tết?”
Mệ bình thản quệt từng miếng mật lên dĩa rồi trả lời: “Nguyên liệu làm nên cái chất đặc trưng của bánh là một loại cây, mùa Tết mới có. Mệ bán lấy cái lộc đầu năm thôi chơ lời lãi chi mô con, mấy đứa nhỏ hắn nói thôi ở nhà cho rồi, Tết nhất lời lãi chi mà đi bán cho mệt nhưng như một thói quen rồi con nã, mình không bán người ta cũng ngóng, họ ăn cũng để lấy cái lộc đầu năm…”
(Ảnh: Internet)
Trầm ngâm một lúc, mệ tiếp lời: “Không biết tới khi mệ chết đi có còn ai bán thứ bánh ni không nữa…”. Tôi im lặng một lúc rồi xin thêm một dĩa.
Nhìn mệ với đôi quang gánh và chiếc nón úa màu bước đi càng lúc càng xa dần trên phố, cảm giác như mình càng lúc càng xa mái nhà, xa cái góc phố nhỏ. Lời mệ “không biết tới khi mệ chết đi có ai còn bán thứ bánh ni không nữa…” cứ văng vẳng bên tai.
Cạn Tết năm đó tôi theo đời cơm áo đi xa, cuộc sống xô bồ nơi đất khách khiến tôi lãng quên nhiều thứ, lẵng quên đi chính bản thân mình vậy mà có những khi ngồi lặng lẽ trong quán nhỏ hay cụng ly chát chúa trong một nhà hàng sang trọng trở về tôi lại thèm da diết một miếng đúc mật, nhớ đến cồn cào một giọng nói “ăn đi con, ăn lấy cái lộc đầu năm”.
Tết sắp đến, lại háo hức trở về như những ngày đầu ra đi, về để được gặp bạn bè, sum họp bên gia đình, thả mình trong cái tiết Xuân xứ Huế và về để khỏi:
Thèm ăn một miếng đúc mật
Thương người chật vật giữ nét Huế xưa.
Thương người chật vật giữ nét Huế xưa.
Theo HueS
Không có nhận xét nào :
Đăng nhận xét