Bắp chuối là thứ gia vị không thể thiếu được trong nhiều món ăn
nổi tiếng ở Huế. Không chỉ “tô điểm” cho các món ăn dân dã, giờ đây bắp
chuối đã góp mặt trong rất nhiều bữa tiệc Huế.
Cây chuối trong vườn quê là thứ cây đặc biệt quý. Toàn bộ cây đều hữu
ích với con người, không bỏ đi thứ gì cả: Lá chuối gói nhiều thứ bánh;
quả chuối chín dùng để thờ cúng ông bà, tiên tổ và bổ dưỡng cho người;
thân chuối non thái ra làm rau sống, muối chua; thân chuối già làm thức
ăn nuôi lợn; củ chuối thái ra muối chua hoặc xào nấu… còn bắp chuối góp
mặt trong rất nhiều món ăn nổi tiếng của Huế. Bắp chuối là phần hoa
chuối chưa trổ buồng, hoặc đã trổ buồng nhưng chưa trổ hết. Người ta cắt
bắp chuối về, chế biến các món ăn và thái ra làm rau sống!
Ăn bánh khoái Thượng Tứ, đĩa rau sống phải gồm: vả, chuối xanh, khế, xà
lách, bắp chuối và rau mùi. Thiếu bắp chuối, sẽ thiếu đi vị ngọt, chát,
mềm đặc trưng. Đĩa rau sống ăn với bún bò – giò heo, bún chả cá, cơm
hến, rau sống ăn kẹp với thịt bê thui chấm mắm nêm, hay cá hấp, v.v… đều
có sự góp mặt của bắp chuối. Bắp chuối đã trở thành một trong những món
rau sống đặc trưng riêng có của Huế (cùng với vả). Người Huế vào quán
ăn, liếc nhìn đĩa rau sống mới bưng ra, thấy thiếu “vị” bắp chuối là hỏi
liền! Bắp chuối rất rẻ. Một cái bắp chuối chưa trổ buồng chỉ vài ngàn
bạc, nhưng thái ra được cả mấy đĩa rau. Rẻ mà ngon, dân dã mà tinh tế là
bản chất của ẩm thực Huế vậy!
Ngoài làm rau sống, người Huế còn chế biến hàng chục món mặn, món chay
rất ngon từ bắp chuối, như nộm bắp chuối, bắp chuối kho, bắp chuối ram,
cháo bắp chuối, bắp chuối muối chua, canh bắp chuối sứ, v.v… Bà Hoàng
Thị Kim Cúc, giáo viên dạy nữ công – gia chánh của Trường Đồng Khánh
xưa, nhân vật trong bài thơ “Đây thôn Vĩ Dạ” của Hàn Mặc Tử, cách đây 60
năm (Quý Mùi, 1943), đã soạn cuốn sách “Nghệ thuật nấu món ăn Huế”.
Trong đó bà dạy cách chế biến rất nhiều món ăn từ bắp chuối. Thí dụ, nấu
“canh bắp chuối sứ” phải lột bớt bẹ già bên ngoài, chẻ đôi bắp chuối
ra, xắt mỏng (xắt vào nước liền cho khỏi đen), rửa lại vài lần cho sạch
mủ, vớt ra để ráo nước. Tôm lột vỏ rồi chao với mỡ, tiêu, hành, ớt, nước
mắm, muối và một tí nước. Khi tôm sôi thấm, đổ thêm nước lạnh vừa dùng
và ít nước ruốc. Để sôi lại rồi đổ bắp chuối vào. Canh sôi là được. Hay
món chay “bắp chuối ram”: Bắp chuối sứ lột bẹ già, chẻ đôi theo chiều
dọc, luộc mềm, ép ráo nước. Tách từng lá, rút tim trong mấy trái chuối
non (cần làm nhẹ tay, để giữ cho các lá bắp chuối không rời ra) Tương,
xì dầu, muối, tiêu, đường, bột ngọt, ngũ vị hương, trộn đều rồi đem xoa
vào từng lá bắp chuối ướp cho thấm. Khi rán, lấy bột mì sú với nước lạnh
hơi sền sệt, trộn thêm vào các thứ gia vị trên. Phết hồ bột mì lên lá
bắp chuối rồi cho vào chảo dầu đang nóng ram vàng. Khi bắp chuối vàng
đều, gắp ra đĩa, cắt từng miếng vuông nhỏ, rưới nước xì dầu, tương,
đường, gừng lên trên, trộn đều là được. Bắp chuối ram (ăn nóng) là một
trong những món của thực đơn tiệc chay Huế.
Ăn các món Huế ngon từ bắp chuối, ta mới giật mình: Thì ra cây chuối
vườn đang nuôi ta cả về tâm hồn lẫn vật chất: Tình như một bức phong còn
kín/Gió ở đâu gượng mở xem (Nguyễn Trãi). Từ cái đọt chuối non phong
kín như bức thư tình ấy, mở ra một đời sống hết lòng vì niềm vui sống
của con người. (NC)
Đăng ký:
Đăng Nhận xét
(
Atom
)
Bài viết được xem nhiều trong tuần
-
Sợi bánh dai, nước dùng ngọt béo đậm đà vị tôm thịt. Bột lọc lấy từ củ sắn (khoai mì), chế biến thành nhiều món như bánh bột lọc...
-
Một trong những món ăn nổi tiếng của người xứ Huế, nem lụi luôn có sức hấp dẫn đặc biệt đối với thực khách đến từ khắp nơi. Những chiếc n...
-
Xôi vò gấc cũng sẽ khiến mâm cỗ ngày Tết thêm phong phú và hấp dẫn.
-
Gà kho xì dầu có hương thơm thơm từ rau húng quế, thêm ớt để có vị cay nồng, hấp dẫn lắm luôn! Ăn nóng với cơm hoặc bánh mì hay ăn k...
-
Ăn ngon ba miền - Blog dành cho những tâm hồn ăn uống: Tự chế biến món ăn ngày Tết : Ngày tết, nếu khéo tay, bạn vẫn có thể chế biến những...
Không có nhận xét nào :
Đăng nhận xét